Pauldohuu Admin
Tổng số bài gửi : 414 Age : 76 Đến từ : BMT VN Registration date : 19/03/2008
| Tiêu đề: KÝ SỰ HÌNH ẢNH VÀ VIDEO HUYNH ĐỆ VI HÀNH TÂP 3_NHÓM QUI NHON, BÌNH ĐỊNH... Tue Mar 06, 2012 4:49 am | |
|
Được sửa bởi Pauldohuu ngày Tue Jun 05, 2012 2:57 pm; sửa lần 12. | |
|
Taru1 Pauldoright
Tổng số bài gửi : 10 Registration date : 02/06/2008
| Tiêu đề: Re: KÝ SỰ HÌNH ẢNH VÀ VIDEO HUYNH ĐỆ VI HÀNH TÂP 3_NHÓM QUI NHON, BÌNH ĐỊNH... Sun Mar 11, 2012 8:42 pm | |
| Thứ sáu ( 24.2.2012): Thăm nhóm Qui Nhơn-Bình Định
Chúng tôi thức dậy theo tiếng chuông. Thánh lễ bắt đầu lúc 5 giờ sáng. Đi đâu, làm gì, dù khi ăn, dù khi uống, chúng ta cũng cần có Chúa. Cha Đặc trách đồng tế với Cha Hạt trưởng. Cha Hạt trưởng giới thiệu với cộng đoàn dân Chúa: Cha Gioan Nguyễn Hoài An và phái đoàn, nhân chuyến viếng thăm, dừng chân ghé thăm anh em Cựu Giuse Tuy Hoà. Ngài dâng lễ cầu nguyện cho chuyến đi của phái đoàn được mọi sự tốt đẹp.
6 giờ 30, anh em Cựu Tuy Hoà mời Cha Hạt trưởng, 2 Cha Phó, Thầy giúp xứ và phái đoàn xuống phố ăn sáng. Vợ chồng Đào Nghĩa Minh đã chu đáo sắp xếp đâu đấy. Thoạt mới vào quán, nhìn lên cột, chúng tôi thấy ngay câu: “Khách hàng là Phật Bà giáng thế”. Tôi nghĩ bụng: Con cái Chúa đây còn hơn Phật Bà! Chúng tôi tạm biệt nhau tại đây. Cám ơn Cha Hạt Trưởng đã tặng cho 5 anh em chúng tôi mỗi người một tập Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo xứ Tuy Hoà, quyển “Rực Sáng Một Vì Sao” tìm về chân dung Á Thánh An-rê Phú Yên rất có giá trị và một đĩa CD.
Về lại nhà xứ, lợi dụng thời gian trống, tôi đi quanh khu nhà thờ Tuy Hoà một vòng. Ngày xưa, trường Đặng Đức Tuấn (nay là trường Sư Phạm) được Giáo phận Qui Nhơn giao cho Dòng Giuse dạy dỗ và quản lý. Các Thầy Giuse đã để lại rất nhiều dấu ấn ở đây. Năm học 1967 -1968, tôi cũng đã dạy nơi này. Tôi nhớ lúc bấy giờ dường như Cha Đậu Văn Pháp, BTGT của chúng ta mới học Đệ Ngũ. Tôi còn lo tập hát Ca đoàn lớn Tuy Hoà. Sáng nay, tình cờ gặp lại chị Sương, ca viên cũ của tôi trước sân nhà thờ, chị kể tôi nghe chuyện đời muôn năm cũ. Nào Liên, nào Lành, nào Thạnh, nào Minh, nào Miên, nào Loan…đã vĩnh viễn ra đi. Đứa vượt biên mất tích, đứa bị ung thư chết. Tôi ngậm ngùi và bồi hồi xúc động. Tôi nhớ bút nhóm “Hoa Sa Mạc” của 4 anh em chúng tôi lúc bấy giờ: Bertin Trung (Song Bình Bảo Tịnh), Vincent Ngân (Dạ Linh), Valentin Tiên (Mặc Hà) và tôi Rémi Sự (Joseph Huy Mai). Chúng tôi quay ronéo được 4 tập “Khung Trời Hạn Hẹp”. Rồi từ đó vì nhiều lý do im luôn. Anh Bertin Trung ra Dòng trước, đi thông dịch viên chiến trường, bị chết tại chiến trường Côtô. May mà đưa được xác về. Ba anh em còn lại, đã từng dạy học ở Đặng Đức Tuấn Tuy Hoà. Những vần thơ trong “Khung Trời Hạn Hẹp” phảng phất chút hương xưa, lãng đãng chút dư âm, dư ảnh của Sông Đà, núi Nhạn…Bây giờ anh Valentin Tiên đã ra người thiên cổ. Anh Vincent giờ là Thầy Sáu an vui với gia đình đông con nhiều cháu tại Canada, còn tôi, Rémi Sự, anh em biết rồi. Còn một người nữa, Thầy tôi, Thầy Eymard Lý Tôn Tịnh Hy, hiện đang sống xa quê, hồi đó là Hiệu trưởng trường Đặng Đức Tuấn Tuy Hoà, nay đã già và chắc tâm tư cũng trĩu nặng khi nhớ đến cảnh cũ người xưa…
8 giờ 30: chúng tôi đi Kim Châu, Bình Định. Đoạn đường mới chạy ngang qua Trại Phung Qui Hoà, nơi nhà thơ Công giáo Hàn Mạc Tử đã đau đớn cùng trăng, đã gánh trăng chạy trên vũng huyết, đã hồi hộp khi thấy trăng nằm sóng soài trên cành liễu, đã ước mơ hồn ni cô thơm như tình mới cắn. Và cuối cùng ớn lạnh run lên khi kêu tên Maria cực trọng, hồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ sầu bi. Mộ họ Hàn hiện giờ nằm bên bãi biển Ghềnh Ráng Qui Nhơn, nơi thu hút rất nhiều khách thập phương.
10 giờ 00: chúng tôi ghé 105 Phan Bội Châu Qui Nhơn đón Trưởng nhóm Qui Nhơn - Bình Định Nguyễn Cho lên Kim Châu như đã hẹn. Nguyễn Cho đã chọn Kim Châu là điểm hẹn mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất Kim Châu là trung tâm để anh em khắp nơi dễ tụ về. Thứ hai Kim Châu là cái nôi trước đây của Dòng Thánh Giuse. Thứ ba hôm nay là ngày các Cha vùng ngoài về họp để chuẩn bị Đại hội Tỉnh Dòng vào tháng 3 sắp tới tại Nha Trang. Anh em có dịp gặp gỡ giao lưu.
10 giờ 30: Chúng tôi đến Kim Châu. Tại đây chúng tôi gặp Cha Hồng Bề trên Cộng đoàn Kim Châu, kiêm giáo xứ Đập Đá, Cha Hiệp, Thầy Tín và Thầy Hùng thuộc cộng đoàn Kim Châu, Cha Ưng từ Nông Sơn Quảng Nam về, Cha Đường và Cha Ca từ Hoà Khánh Đà Nẵng vô. Anh em Cựu Bình Định – Qui Nhơn gồm có: Nguyễn Cho, Savio Lê Lợi, Alphonse Võ Cự Anh, Phan Long Bảo. Riêng Nguyễn Lộc, Xuân Quằm và Hà Đen vì bận công tác không tham gia được. Anh em tay bắt mặt mừng vì hiếm khi có dịp gặp nhau.
11 giờ 00: Thánh lễ đồng tế gồm 6 Cha: Các Cha An, Hồng, Ưng, Hiệp, Đường, Ca và Thầy Mai Trung Tín giúp lễ. Thánh lễ trang nghiêm, sốt sắng trong phòng nguyện có lẽ vừa mới sửa xong không lâu. Phòng nguyện là phòng ngày xưa Cha Tý ở làm Tuyên uý cho Cộng đoàn Kim Châu. Về sau Thầy Hoài ở đó. Tôi nhớ ngày xưa phía trước có hai cây chay cổ thụ rợp bóng, hàng năm thường ra trái vào mùa hè. Mùa hè các tu sinh được phép về nghỉ. Có một buổi trưa, chờ lúc cha Già Tý ngủ, hai cô tu sinh Cúc (vợ Hiến bây giờ) và Chi (bây giờ có một đứa con làm linh mục) ra khoèo chay. Bất phước cha Già Tý nghe động mở cửa bắt được quả tang. Ngài bảo mấy đứa con gái đi tu mà cũng thèm chua! Hai o mắc cở bỏ chạy một lèo. Bây giờ thì hai o thèm chua thật rồi! Tôi còn nhớ đầu cánh Bắc trường Kim Châu còn có cây mít mà hồi đó chúng tôi gọi là “mít đọt”. Nó chuyên ra trái ở đầu cành. Nó là chứng nhân lịch sử qua bao nhiêu đời. Nay cũng không còn nữa!
12 giò 00: Chúng tôi vào bàn ăn. Cha Hiệp và Thầy Tín đã chuẩn bị tươm tất đâu đấy. Bia bọt. Bàu Đá. Thế thì Bác Đỗ Hữu phóng viên nhất định không có ý kiến gì nữa nhé! Đặc biêt có món ếch đồng quê chiên giòn. Món này mà nhậu với bia ướp lạnh là hết sảy!Chúng tôi ngồi ăn tại phòng mà các Dì ở xưa. Miếng đất mà ngày xưa các Dì trồng hẹ, trồng cây bánh ít lá gai (thường hay gói cho các Thầy ăn) nay là cái sân của bọn họ. Dòng suối mà ngày xưa chúng ta nô đùa sau những chiều đá banh vẫn lặng lờ trôi, hiu hắt buồn, hai bên bờ cỏ mọc um tùm. Khu chuồng heo các Dì nuôi nay là khu vực sinh hoạt hậu cần của các Cha Thầy cộng đoàn Kim Châu. Nói chung, cái lớn người ta mượn xài 50 năm. Nay đã 35 năm rồi. Hợp đồng còn những 15 năm nữa họ mới trả cho chúng ta. Cho nói với tôi như thế! Cũng may là mảnh đất sân banh phía sau, chúng ta đã có sổ đỏ. Nói chơi chứ sổ đỏ sổ đen gì thì hãy để lich sử trả lời. Chúng ta cứ xài cái nhỏ. Biết đâu cái nhỏ là cái thánh ý Chúa muốn.
12 giờ 30: Anh em Cựu Qui Nhơn – Bình Định họp mặt. Ngoài cha Đặc trách Nguyễn Hoài An, hai anh Đại diện, anh phóng viên Đỗ Hữu, chúng tôi còn mời hai Cha Hồng và Hiệp tham dự. Anh Hội trưởng nói qua hai điểm chính trong Nội qui: Vai trò Cha Đặc Trách và Cách thức bầu cử Ban Đại Diện Hội trong nhiệm kỳ tới. Các điểm còn lại xin địa phương đóng góp ý kiến gởi về đúc kết sau.
Cha Đặc trách giải trình về mục đích của CTBL rất cặn kẽ và rõ ràng. Cha còn nói cho anh em hiểu rõ Giáo luật về luật Bổng lễ. Hai Cha và anh em đều nhất loạt đồng ý và tán thành mục đích CTBL : biết ơn các Cha Thầy, các bậc Ân sư là một hành động cụ thể. Hai Cha hứa sẽ tham gia CTBL theo mục đích này.
15 giờ 30: Chúng tôi đi vòng đường hương lộ ra phía sau nghĩa trang Dòng thăm viếng mộ Anh em, Đức Cha Grangeon Mẫn. Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương! Hai ngôi mộ Samuel Dư và Sebastien Trước nằm kề bên nhau. Tôi biết ông bà thân sinh
Samuel Dư chỉ có hai con: một gái, một trai. Chị gái đã lập gia đình. Còn thằng Dư ông bà dâng cho Chúa. Samuel Dư cao ráo, đẹp trai lại có tài. Năng nổ, hăng say, nhiệt tình và tháo vác trong mọi việc Dòng trao. Chúa đã cất anh đi trong lứa tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết. (Thưa Thầy con không có ý kiến về việc Thầy làm. Con trở về Kim Châu thăm anh em, thăm lại trường Dòng xưa, nhớ đến hai người anh em con yêu quý mà giờ đây con nghĩ là Thầy đã đưa về hưởng nhan thánh của Thầy.)
16 giờ 00: Chúng tôi ghé thăm thân mẫu Cha Minh, Cha Thanh. Di ảnh của Cha Minh trên bàn thờ đang mĩm cười với anh em chúng tôi. Bà cụ là em thứ 8 của Cha Gérard Lộc. Tôi không hiểunỗi một bà mẹ già ốm yếu bệnh hoạn làm sao có thể cưu mang 3 đứa con, hai gái, một trai đang bị bệnh tâm thần! Tôi nghĩ đến anh em Cựu của chúng ta còn nhiều điều phải suy nghĩ, còn nhiều điều phải làm, phải sẻ chia…
Từ giã bà và 3 em ốm yếu, tôi thấy thật xót xa! Mãi suy nghĩ linh tinh, tôi quên phéng đi chúng tôi đang đi nhờ trên chiếc xe con của Hoàng Đức mới tậu cách đây mấy tháng từ Pleiku xuống Kim Châu lúc 3 giờ chiều nay. Số là Cha Đặc trách bao xe đi một mạch tới Đà Nẵng rồi về lại Nha Trang. Hoàng Đức nghe vậy mới có sáng kiến đề nghị Cha chỉ bao xe đi tới Kim Châu rồi cho xe về. Từ Pleiku, Hoàng Đức sẽ nhờ một bác tài quen đi với Hoàng Đức xuống đón phái đoàn từ Kim Châu về Qui Nhơn. Hôm sau tiếp tục lên đường đi Đà Nẵng. (Thầy ơi! Việc Thầy làm nhiều khi chúng con không hiểu nỗi. Con xin cám ơn Thầy đã cho hai anh chị Miên - Đức nảy sinh cái sáng kiến huynh đệ ra tay giúp đỡ chúng con.)
17 giờ 00: Trưởng Cho báo trước vợ chồng Lộc – Đào mời ăn cơm chiều. Nhẹ nhàng nhưng tình cảm. Cho không tham dự được vì bận họp HĐGX lần đầu. Phải lên kế hoạch nghiêm chỉnh. (Cho vừa mãn nhiệm kỳ bên Mặt Trận là được bầu làm Chủ tịch HĐGX nhà thờ Chánh toà Qui Nhơn). Chị Đào làm bên văn phòng Điện lực. Lộc cả buổi sáng phải đi giao tiền nên không về Kim Châu họp mặt cùng anh em được. Lộc Đào được 2 cháu, một trai, một gái đều đã lập gia đình. Mặc dù bận bịu, nhưng nghe phái đoàn đến thăm, vợ chồng rất vui và sẵn sàng đón tiếp.
Món ốc hút của chị Đào thơm ngon quá! Cha Hoài An khen. Món chuối hầm thịt vịt của Lộc nấu anh Tám bị “tường đè” ăn vô thấy lạ miệng! Anh em mình sao thương yêu nhau và chân tình quá! Cái chai Voska trắng đang khiêu khích đặc phái viên Đỗ Hữu. Vui một đêm nay…rồi mai lên đường. Hữu và Lộc cất lên. Cứ thế anh em ta mở rộng cõi lòng lai rai. Anh em tại QN-BĐ không đông, nhưng hễ có dịp gia tang, cưới hỏi, anh em thường đến với nhau. Vào cuối bữa, bà xã Xuân Quằm xuất hiện. Xuân vào Sai Gòn kiếm đường làm ăn. (Đàn ông ở một mình không tốt!) Thỉnh thoảng Xuân về QN thăm gia đình. Chị còn phải ở lại bươi chãi chăm sóc hai ông bà thân sinh tuổi đã cao ngoài này. Và tâm sự lại tiếp tục trãi dài…trãi dài…Hữu&Lộc vui một đêm nay rồi mai lên đường…Chai Voska đã cạn. Tiệc tàn!
Đã tàn cuộc rượu đêm nay Pháo tan xác pháo tình say sưa tình Còn đây hai đứa chúng mình Ngậm ngùi trong cõi phù sinh kiếp người… (Diễn ý “No more champagne” trong “Happy New Year”)
Chúng tôi đành chia tay nhau. Trưởng Cho đi Honda dẫn đường về nhà nghỉ 28 Nguyễn Huệ. Chúng tôi: cha Hoài An, Sự, Hùng ở phòng đầu. Phòng trong dành cho Đỗ Hữu, Hoàng Đức và anh Giang tài xế. Mỗi người một giường. Có máy lạnh, quạt trần.Tươm tất đâu đấy,
Trưởng Cho mới yên tâm trở về. Trách nhiệm và chu đáo là bản tính của Cho. Nhà Nguyễn Cho vừa sửa. Rộng rãi thênh thang. Anh em muốn nghỉ lại nhà Cho để bớt tốn kém, nhưng Trưởng Cho muốn anh em được tự do thoải mái, nên mới sắp xếp tiện lợi thế. Rất cám ơn tấm lòng “hiếu khách”của người anh em.
Tắm rửa kinh sách xong, ba anh em lại bắt đầu thi nhau ngáy. Ai ngáy trước có lợi hơn. Người nghe ngáy nằm chờ thời, chờ một cuộc chuyển mình. Đành thao thức ngâm lại câu thơ “Lo nước thương đời đêm chẳng ngủ. Đêm sao đêm mãi thế ru mà!”
By Remi Tamsu | |
|