Pauldoright
Tổng số bài gửi : 599 Age : 76 Đến từ : BMT Registration date : 18/05/2008
| Tiêu đề: Chia sẽ MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO từ PARAGUAY-Colombia ký sự Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD (27) Tue Mar 29, 2011 9:23 am | |
| Colombia ký sự Mấy ngày qua tôi có nhận được email thăm hỏi của một số giáo dân ở Paraguay khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì bấy lâu nay khi tôi còn ở Paraguay, như tôi đã chia sẻ trong các bài viết về phong tục tập quán, người Paraguay rất ít quan tâm đến người khác, hay nói đúng hơn là xong việc rồi thì thôi. Không biết họ gởi email cho tôi vì họ quan tâm, vì họ nhớ đến tôi hay chỉ vì công việc. Bởi vì trong email họ có nhờ tôi tĩnh tâm và giúp giới trẻ cho chương trình Tuần Thánh sắp tới.
Thấm thoát mà đã mấy tháng tôi xa Paraguay- vùng đất truyền giáo mà tôi đã sống, đã xem nó như là quê hương thứ hai của mình sau khi nhận bài sai của Bề Trên Tổng Quyền. Tôi có nhớ man mán một câu thơ nói về quê hương, viết rằng : “Khi tôi ở chỉ là nơi đất ở; khi tôi đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Câu thơ này đã gợi lại cho tôi nỗi nhớ quê hương thứ hai của mình, dù nơi đó không đẹp, không giàu sang, không văn minh như nước Colombia hiện tôi đang sống.
Trong bài viết về “Một Thoáng Colombia” lần trước đã đăng trên Vietcatholic (Một thoáng Colombia), tôi đã chia sẻ một vài cảm nhận của một người mới đến. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ thêm về cuộc sống của người dân Colombia nói riêng, và về việc học hành, công việc, cách ứng xử của những bạn bè đồng môn đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong khóa học đào tạo mà tôi đang theo đuổi để những ai tiếp cận, đi du lịch và làm việc với người dân Combia nói riêng và dân Nam Mỹ nói chung khỏi bở ngỡ và dễ làm quen.
Có thể nói Colombia là một quốc có nhiều điểm du lịch nhất ở vùng Nam Mỹ, và vì thế, có nhiều du khách đến đây. Dịch vụ xe ta-xi, xe búyt và Trasmilenio (cũng là một loại xe búyt nhưng khá dài với sức chứa khoảng 160 hành khách và có đường chạy riêng) rất rẻ nên người ta thích đi. Tất cả các nhân viên phục vụ và tài xế ở đây khá lịch sự chứ không giống như nhiều anh tài xế và phụ xe ở Việt Nam mình thích chửi ai thì chửi và muốn thu tiền bao nhiêu cũng được nên trên xe luôn có sự cãi cọ nhau. Một điểm nữa cũng cần được nhắc đến là văn hóa xếp hàng và người ta biết nhường nhau, cách riêng cho những người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em. Tôi thấy những điều này ở Paraguay, dù là một quốc gia kém văn minh hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng họ lại biết tôn trọng và hành xử văn minh hơn chúng ta.
Tôi có dịp đi thăm vài điểm du lịch ở đây và nhận thấy rằng chính phủ đầu tư vào các điểm du lịch vừa để giới thiệu về đất nước mình, vừa thể hiện một sự văn minh trong đời sống văn hóa du lịch. Cụ thể là các đồ lưu niệm, dịch vụ ăn uống, các khu vui chơi đều có giá cả ưu đãi và các nhân viên phục vụ rất tận tình lịch sự. Vào các dịp lễ họ còn giảm giá vé để cho nhiều người có thể tham quan. Trái lại ở Việt Nam mình thì vào các dịp lễ lại tăng giá, một điều hết sức vô lí nữa ở Việt Nam là có sự phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài khi mua tàu xe hay vào các điểm du lịch. Nhiều người nước ngoài từng đến Việt Nam có hỏi tôi tại sao nước Việt Nam lại có sự phân biệt như vậy, và không biết năm nay là năm 2011 rồi những người điều hành có nhận ra được điều đó không và đã điều chỉnh lại chưa. Và nếu các nước Nam Mỹ này mà đối xử với tôi như thế chắc là tôi đã phản đối và đã xin chuyển làm việc ở nước khác từ lâu rồi.
Những ngày tháng học hành, hội họp và làm việc chung với các trí thức vùng Nam Mỹ, tôi học hỏi được họ rất nhiều điều, trong đó có sự khiêm nhường và biết lắng nghe nhau dù cũng có những lúc tranh luận to tiếng để tìm ra những điểm chung. Điều này tôi thấy người Việt mình, nhất là giữa các anh em linh mục, tu sĩ với nhau cần phải thẳng thắn hơn để nhìn nhận lại vấn đề này, vì có nhiều người trước mặt trông có vẻ bằng lòng, vui vẻ nhưng sau lưng thì gièm pha, chơi xấu nhau. Tôi thấy các linh mục giáo sư có bằng cấp cao thuộc nhiều quốc gia đang điều hành Học Viện Thần Học Mục Vụ thuộc Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latin và vùng Ca-ri-bê làm việc ở đây rất thẳng thắn trong đối thoại, mỗi người luôn biết chổ đứng của mình và không bao giờ ‘dẫm chân’ nhau trong công việc nên họ luôn có tình bạn chân thành chứ không khách sáo.
Người dân Châu Mỹ Latin khá cởi mở và thân thiện nên từ chỗ xa lạ những ngày đầu, chúng tôi trở thành những người bạn của nhau. Trước đây khi tôi nghe đến tên của một số quốc gia, thì trong thâm tâm tôi thường dán nhãn là quốc gia này có điều này xấu, quốc gia kia có điều kia tệ… Nhưng nay được sống và làm việc với những con người cụ thể, tôi đã bắt đầu có một cái nhìn đúng đắn hơn, và khi nghĩ về người đó, tôi không còn đặt nặng về quốc gia, chủng tộc hay tầng lớp xã hội nhưng là một tương quan bình đẳng như những người bạn với nhau.
Khi chúng tôi được chia làm việc theo các nhóm nhỏ hay nhóm lớn để thảo luận một vấn đề nào đó, mỗi người đều có trách nhiệm và góp lên tiếng nói của mình để làm sáng tỏ vấn đề. Không có ai ỉ lại vào người khác hay tự cho rằng ý kiến của mình là đúng hoàn toàn, còn những ý kiến phản biện là sai lầm, là vô bổ. Mỗi người đều biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau. Bởi thế nên các quốc gia châu Mỹ Latin ít có chiến tranh giữa các quốc gia vì họ biết nhường nhịn nhau. Những cuộc chiến tranh hay xung đột xảy ra là do một số người có đầu óc độc tài thống trị, bất chấp những dư luận và luôn cho mình là người có lý.
Người xưa có nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi không dám nói mình đã học được nhiều sàng khôn vì đi nhiều tháng năm ở các nước, nhưng tôi cảm thấy mình lớn lên rất nhiều trong cách suy nghĩ và trong hành động trong những cuộc xuất du này.
Những ngày trong tháng Ba quả là những ngày buồn cho cả thế giới nói chung va nước Nhật nói riêng với cơn động đất kinh hoàng 8.9 độ Richter kéo theo những cơn song thần khiến hàng chục triệu người thiệt mạng và mất tích. Tôi cũng nhận được tin buồn trong những ngày này là đứa cháu trai 16 tuổi, con trai duy nhất của người anh ruột bị chết đuối khi cố gắng cứu một em bé bị trượt chân ngã xuống sông. Tôi có điện thoại về Việt Nam để an ủi gia đình người anh trai và được biết rằng trong đám tang ấy, ba tôi đã khóc nghẹn cho đứa cháu nội thân thương của mình trong khi má tôi mỗi ngày một mất trí nhớ và không biết đứa cháu mình đang nằm đó. Cả gia đình tôi trong những ngày này cũng buồn như nước Nhật. Tôi cũng chỉ biết an ủi những người thân nhưng trong lòng cũng đau lắm. Tôi chỉ biết cúi đầu xin vâng theo ý Chúa vì Ngài kêu ai thì người ấy ‘dạ’ thôi.
Hôm nay, tôi có đến thăm hai anh em linh mục cùng Dòng từ Việt Nam mới đến và cùng nhau dâng lễ cầu nguyện cho những ý chỉ của mỗi người cũng như cầu nguyện cho Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam của chúng tôi vừa có Ban Cố Vấn mới. Chúng tôi có dịp trao đổi, trò chuyện với nhau, và như là một người đàn anh đi trước, tôi cũng chia sẻ vài kinh nghiệm cho các anh em vừa mới đến để anh em dễ dàng hội nhập với cuộc sống mới nơi đất khách.
Ngẫm lại những sự đã qua, nhất là trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ III Mùa Chay năm A vừa qua, Chúa Giê-su muốn nhắn nhủ với chúng ta là hãy biết khao khát Thiên Chúa vì chính Người sẽ lấp đầy những khát khao của chúng ta. Dù biết bao thế sự thăng trầm và nhiều khi tưởng chừng Chúa đã quên những lời khẩn cầu của chúng ta, thì chính lúc đó Chúa lại ra tay cứu vớt chúng ta.
Colombia, 28 tháng 03/2011Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD [You must be registered and logged in to see this link.] | |
|